Viêm amidan lưỡi là tình trạng amidan lưỡi bị vi khuẩn hoặc virus xâm nhập gây tình trạng viêm nhiễm, sưng tấy, đau nhức, rát vùng lưỡi. Điều trị viêm amidan cần được thực hiện sớm để ngăn ngừa xảy ra các biến chứng khi nhiễm trùng lan rộng.

1. Viêm amidan lưỡi là gì?

Amidan lưỡi là tổ chức lympho nằm ở đáy lưỡi sau V lưỡi. Đây là một bộ phận của vòng Waldeyer thuộc hệ thống lympho đường thở, có vai trò duy trì hệ miễn dịch, giúp cơ thể chống lại các tác nhân gây bệnh. Viêm amidan lưỡi là tình trạng amidan lưỡi bị vi khuẩn hoặc virus xâm nhập gây tình trạng viêm nhiễm, đau nhức, rát vùng lưỡi. Hình ảnh viêm amidan lưỡi ở người bệnh thường gặp là:

  • Amidan sưng to: Khi quan sát cuống lưỡi sẽ thấy amidan sưng to, tấy đỏ. Bề mặt amidan có thể xuất hiện các chấm mủ trắng.
  • Vùng cổ họng sưng đỏ, khô rát, niêm mạc họng đỏ, xuất tiết, lưỡi trắng bẩn, hạch bạch huyết sau họng sưng to.
  • Người bệnh sốt, ho kéo dài, khàn tiếng, đau tức ngực, thở khò khè khi ngủ.

Viêm amidan lưỡi thường xuất hiện ở:

  • Những người vệ sinh răng miệng kém, mắc các bệnh răng miệng như sâu răng, viêm lợi, viêm V.A, viêm xoang,..
  • Những người mắc các bệnh đường hô hấp không được điều trị triệt để, vi khuẩn phát triển, lây lan đến amidan lưỡi gây viêm.
  • Những người có sức đề kháng kém, hệ miễn dịch suy giảm, vi khuẩn, virus dễ tấn công, gây bệnh.
  • Môi trường ô nhiễm, thời tiết thay đổi thất thường, người bệnh có cơ địa dị ứng cũng là một yếu tố thuận lợi xuất hiện bệnh.
Những điều cần biết về viêm amidan lưỡi

Một số loại viêm Amidan

Nếu việc điều trị viêm amidan lưỡi không được hiện hoặc thực hiện không triệt để, bệnh amidan đáy lưỡi có thể tiến triển thành mạn tính, rất khó điều trị, đồng thời gây nhiều biến chứng nguy hiểm cho người bệnh. Các biến chứng có thể gặp là:

  • Biến chứng cục bộ: Loét khe amidan, viêm tấy xung quanh amidan, sỏi amidan, viêm tấy thành bên họng, viêm họng mạn tính.
  • Biến chứng gần: Viêm hạch cổ mạn tính, viêm tai giữa, viêm mũi xoang, viêm thanh quản, viêm khí quản, viêm phế quản.
  • Biến chứng xa: Viêm khớp, viêm nội tâm mạc, viêm cầu thận, nhiễm khuẩn huyết,...

Khi các biến chứng đã xảy ra, việc điều trị sẽ trở nên khó khăn và tốn kém hơn rất nhiều, trong khi tình trạng sức khỏe chưa chắc đã hồi phục hoàn toàn. Do đó, để việc điều trị thuận lợi, hạn chế các nguy cơ có thể xảy ra, người bệnh nên đến các cơ sở y tế thăm khám sớm ngay từ khi có các triệu chứng đầu tiên của bệnh.

Những điều cần biết về viêm amidan lưỡi

Hình ảnh viêm amidan lưỡi

2. Điều trị viêm amidan lưỡi như thế nào?

Khi đến khám tại các cơ sở y tế, bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám lâm sàng đồng thời chỉ định một số xét nghiệm như xét nghiệm công thức máu, nội soi mũi họng, lấy mẫu bệnh phẩm từ vùng thương tổn nuôi cấy để xác định nguyên nhân gây bệnh. Kết quả từ những xét nghiệm này sẽ giúp bác sĩ chẩn đoán xác định bệnh và tìm ra phương pháp điều trị hiệu quả nhất cho người bệnh.

Trong viêm amidan lưỡi cấp, nếu nguyên nhân gây bệnh là virus, việc điều trị chủ yếu là điều trị triệu chứng, nâng cao thể trạng, kháng sinh chỉ được dùng khi nguyên nhân gây bệnh là vi khuẩn hoặc đe dọa biến chứng.

Trong trường hợp nhiễm khuẩn nặng, bác sĩ có thể chỉ định phối hợp các kháng sinh giữa các nhóm khác nhau. Việc điều trị bằng kháng sinh cần tuân thủ theo đúng hướng dẫn của bác sĩ, không được dừng khi triệu chứng bệnh giảm. Việc sử dụng kháng sinh không hợp lý có thể dẫn đến nguy cơ kháng kháng sinh.

Các thuốc thường được sử dụng để điều trị triệu chứng là:

  • Thuốc hạ sốt, giảm đau: Paracetamol
  • Thuốc kháng viêm: Methylprednisolon, Prednisolon
  • Điều trị tại chỗ: thường xuyên súc miệng bằng nước muối sinh lý NaCl 0.9 % hoặc bằng dung dịch kiềm ấm (pha nửa thìa cà phê các muối Bicarbonat Natri, Borat Natri,... trong một cốc nước ấm để súc miệng).
Những điều cần biết về viêm amidan lưỡi

Paracetamol được dùng giảm đau cho bệnh nhân bị viêm amidan lưỡi

Đối với điều trị viêm amidan lưỡi mạn tính, nếu điều trị nội khoa không hiệu quả, bệnh thường xuyên tái phát (5-6 lần/năm), amidan lưỡi thực sự trở thành một ổ viêm gây hại cho cơ thể, gây các biến chứng, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật cắt amidan lưỡi cho người bệnh. Các phương pháp cắt amidan có thể sử dụng là:

  • Phẫu thuật nội soi
  • Cắt amidan bằng dụng cụ Sluder- Ballenger
  • Cắt amidan bằng laser
  • Phương pháp Coblator

Mỗi phương pháp điều có ưu nhược điểm riêng, bác sĩ sẽ tư vấn để cùng bệnh nhân lựa chọn phương pháp phẫu thuật phù hợp.

3. Chế độ chăm sóc khi đang điều trị viêm amidan lưỡi

Bên cạnh tuân thủ hướng dẫn điều trị để nhanh hồi phục, trong thời gian điều trị amidan lưỡi, người bệnh cần dành nhiều thời gian nghỉ ngơi, tăng cường dinh dưỡng, uống nhiều nước lọc. Nên chế biến thức ăn dạng mềm, dễ nuốt và chia nhỏ ăn thành nhiều bữa trong ngày. Súc miệng bằng nước muối hàng ngày giúp sát trùng, làm dịu cơn đau và ngăn ngừa nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng vùng miệng họng.

Nếu điều trị amidan lưỡi bằng phương pháp phẫu thuật, sau hai tuần cắt amidan, người bệnh nên duy trì chế độ ăn mềm, lỏng như sữa, cháo, bún, súp. Khi họng bớt đau có thể chuyển dần sang ăn cơm nhão. Hạn chế giao tiếp, không la hét, chạy nhảy, lao động nặng hoặc tập luyện thể lực nặng trong khoảng thời gian này.

Những điều cần biết về viêm amidan lưỡi

Chế độ ăn mềm lỏng cho bệnh nhân bị viêm amidan lưỡi