[VOV2] - Làm rơi hay va đập điện thoại khiến cho màn hình bị nứt vỡ là vấn đề thường gặp khi sử dụng smart-phone. Tuy nhiên, điều này tiềm ẩn rủi ro mà chúng ta không nghĩ tới.

Theo anh Bùi Đình Tiệp, chuyên viên kỹ thuật của Trung tâm Sửa chữa điện thoại 24h, chúng ta không nên chủ quan với hiện tượng màn hình điện thoại bị vỡ, nứt.

Chiếc điện thoại có màn hình bị nứt hoặc bị vỡ sẽ không còn khả năng chống bụi, chống bẩn và chống ẩm nước vào bên trong. Điện thoại là đồ vi mạch điện tử, hơi ẩm, nước vào bên trong sẽ làm cho những linh kiện bên trong sẽ bị gỉ sét, có thể gây ra tình trạng chập cháy dẫn đến nguy cơ cháy nổ.

Nhiều điện thoại khi bị rơi vỡ màn hình nhưng vẫn còn khả năng cảm ứng và hiển thị bình thường nên chúng ta vẫn tiếp tục sử dụng. Tuy nhiên dùng như vậy một thời gian dài sẽ làm cho các mảnh kính vỡ li ti vô tình đâm vào trong, gây hư hại đến điện thoại. Hơn nữa, mồ hôi từ tay hoặc hơi ẩm lâu ngày sẽ chui qua các vết nứt làm ẩm bên trong điện thoại, đây là một trong những tác nhân gây cháy nổ điện thoại sau này.

Màn hình ĐT bị nứt vỡ cộng với việc vừa sạc vừa sử dụng là một trong những nguyên nhân gây cháy nổ điện thoại

Từ thực tế sửa chữa, anh Bùi Đình Tiệp đã gặp nhiều trường hợp cháy nổ điện thoại do vừa sạc vừa sử dụng. Tuy nhiên, một phần nguyên nhân cũng đến từ tình trạng màn hình điện thoại bị nứt vỡ từ trước dẫn đến các vi mạch bên trong bị ẩm. Khi vừa dùng vừa sạc, quả pin nóng lên và máy CPU hoạt động sinh nhiệt nóng lên, cộng thêm máy bị ẩm sẵn từ trước rất dễ dẫn đến hậu quả cháy nổ.

Cũng theo anh Tiệp, nhiều người còn đem máy điện thoại đi rửa vì nghĩ rằng máy chịu được nước nước. Đây là một hành động sai lầm. Dù điện thoại chống nước nhưng chỉ khi ở trong điều kiện lý tưởng hoặc những máy mới vừa xuất xưởng, vừa bóc hộp ra và chưa sử dụng lần nào, các gioăng cao su còn tốt, áp suất không đẩy nước vào trong được. Nhưng trong quá trình sử dụng một thời gian, sạc cắm ra cắm vào, ảnh hưởng đến gioăng cao su nên điện thoại không còn khả năng chống nước như ban đầu nữa.

Với những máy điện thoại bị nứt màn hình, nếu chỉ nứt ít, chúng ta có thể tạm sử dụng nhưng chỉ nên dùng trong một thời gian ngắn. Còn nếu màn hình đã bị vỡ rạn nhiều thì phải xử lý ngay bởi mảnh kính có thể đâm vào tay, thậm chí bắn vào mắt rất nguy hiểm. Thứ hai hơi ẩm và hơi nước sẽ xâm nhập vào bên trong là những nguyên nhân gây ra tình trạng cháy nổ về sau.

Mẹo nhỏ giúp bạn bảo vệ màn hình cảm ứng Smartphone

- Dán cường lực bảo vệ màn hình: Vì là màn hình cảm ứng nên rất dễ bị tác động bởi những yếu tố xung quanh, do đó việc bảo vệ màn hình bằng miếng dán cường lực hết sức quan trọng. Miếng dán cường lực thường được làm từ chất liệu đặc biệt, nó sẽ che phủ hoàn toàn màn hình nhưng vẫn giữ độ nhạy cho màn hình.

- Dùng ốp lưng điện thoại loại dày: Ốp lưng là chiếc vỏ giúp dế yêu của bạn tránh được những vết xước. Nếu ốp lưng làm bằng cao su dày thì khả năng nguyên vẹn khi bị rơi là hoàn toàn khả thi.

- Hạn chế dùng điện thoại với cường độ cao: Nếu bạn sử dụng điện thoại với tần suất lớn, bắt điện thoại của bạn phải hoạt động liên tục không ngừng nghỉ thì điện thoại rất nhanh tự hỏng. Nhiệt độ nóng của pin kèm sự tác động của con người làm cho màn hình smartphone quá tải, dẫn đến hư hỏng bất cứ lúc nào.

- Tránh để điện thoại chung với các vật cứng: Việc bảo vệ màn hình cảm ứng điện thoại đồng nghĩa với việc bạn sẽ không được phép để chung chúng với các vật cứng như bấm móng tay, chìa khóa, các hộp cứng có góc cạnh… Chị em nên chú ý vấn đề này để giữ gìn điện thoại.

- Không nên để móng tay dài khi sử dụng Smarphone: Nếu để móng tay của bạn quá dài thì trong quá trình sử dụng ĐT sẽ khiến màn hình dễ xước, dẫn tới các thao tác trên di động sẽ kém chính xác hơn. Tốt nhất hãy cắt móng tay để vừa đảm bảo vệ sinh cá nhân vừa đảm bảo thực hiện đúng cách giữ gìn điện thoại cảm ứng.