Các tips vẽ màu nước đơn giản cho người mới học vẽ - Zest Art

Màu nước là một loạt chất liệu cực kỳ quen thuộc mà đại đa số đều rất thích sử dụng. Với tính chất trong như nước, hiệu ứng của những bài vẽ cũng trở nên thu hút hơn. Thế nhưng để tận dụng được toàn bộ những đặc tính đặc trưng của loại chất liệu này thì bài viết này Zest sẽ tổng hợp một vài tips vẽ màu nước đơn giản cho người mới bắt đầu học vẽ cũng có thể áp dụng được.  

Trước tiên, chúng ta cần phải hiểu rõ tính chất của màu nước: Màu nước hình thành do các sắc tố (thường dưới dạng bột) được hòa tan vào nước tạo ra một dung dịch có màu sắc. Những thuộc tính cơ bản của màu nước là tínhtrong suốtnhẹ nhàng”, cũng như tính thuần khiết và tính cường độ” của các chất màu. Những thuộc tính ấy là do các lớp màu mỏng luôn được đặt lên giấy và vì thế các lớp màu đó trở nên trong suốt đối với những tia sáng xuyên qua.  

Vậy dựa theo những đặc tính này chúng ta có thể áp dụng để vẽ các lớp màu như thế nào?  

1. Lớp màu nền hoặc màu lót  

3 phương pháp vẽ màu lót phổ biến nhất:  

Phương pháp 1: Phủ đều mặt giấy với nước, sau đó mới vẽ màu lên   
  • Ưu điểm: Làm giấy ngậm nước trước khi lên màu, kéo màu cũng sẽ đơn giản hơn.
  • Khuyết điểm: Nếu không quen thì sẽ khó kiểm soát lượng nước trên mặt giấy là ít/ đủ/ nhiều, nếu ít thì sẽ không ra được đúng hiệu ứng, quá nhiều sẽ làm màu bị chảy. 

Lưu ý: Cần chọn loại giấy tốt, phù hợp cho màu nước (giấy từ 250-300gsm), khi vẽ màu nên kiểm soát lượng nước có trong cọ, tránh trường hợp nước trên mặt giấy quá nhiều làm màu bị chảy.

Các tips vẽ màu nước đơn giản
Phương pháp 2: Kéo màu trực tiếp trên mặt giấy  
  • Ưu điểm: Chủ động hơn trong việc kiểm soát nước, màu sẽ đi từ nhạt đến đậm.
  • Khuyết điểm: Phương pháp này khi vẽ mảng lớn sẽ đôi lúc gặp tình trạng màu khô ở những nét cọ đầu, gây ra tình trạng mảng màu không liên tiếp.

Lưu ý: Cần sử dụng loại cọ to, ngậm nước tốt nếu vẽ mảng lớn, ngoài ra để đảm bảo lớp màu đều, mịn thì cần pha sẵn một lượng màu đủ lớn để màu không bị khô khi đang pha màu.  

Phương pháp 3: Chấm màu  

Hình thức chấm màu này chủ yếu sử dụng trong trường hợp cần tăng về độ tương quan màu, tạo điểm nhấn. 

  • Cách thức: Chấm màu trực tiếp lên những vị trí đã phủ nước hoặc những lớp màu còn ướt.
  • Ưu điểm: Các chấm màu sẽ loang ra và hòa vào nhau.
  • Khuyết điểm: Chỉ sử dụng cho một vài trường hợp nhất định, chỉ nên dùng khi cần tạo điểm nhấn, tả chất liệu… không nên lạm dụng hình thức vẽ màu này quá nhiều. 
Các tips vẽ màu nước đơn giản

 Xem thêm: Cách thể hiện các loại chất liệu trong tranh phong cảnh 

2. Phương pháp phối màu  

  • Hòa sắc  

Khi muốn blend 2 màu khác nhau hòa lại được với nhau các bạn cần lưu ý là sau khi vẽ lớp màu thứ nhất, đến điểm giao chúng ta sẽ vẽ tiếp màu thứ 2 nối tiếp theo ngay khi màu còn ướt.  

Nguyên nhân: Nếu để màu khô thì 2 lớp màu sẽ không hòa lại được với nhau, ngay vị trí giao nhau sẽ có một đường hoặc một vệt màu phân tách.

  • Chồng màu  

Hình thức vẽ này sẽ ngược lại cách vẽ hòa sắc phía trên. Khi cần chồng màu thì các bạn nên đợi lớp màu ở dưới khô, sau đó hãy vẽ một lớp màu khác lên trên.  

Nguyên nhân: Nếu vẽ khi lớp màu dưới chưa khô thì sẽ xảy ra tình trạng lem màu ra lớp màu bên dưới. 

Các tips vẽ màu nước đơn giản

3. Cách xử lý khi vẽ màu bị sai  

Đây luôn là một trong những vấn đề khiến cho tất cả chúng ta đau đầu, nếu là màu poster, gouache, acrylic thì khi vẽ sai màu chúng ta có thể chồng lớp màu khác lên được. Nhưng với tính chất trong suốt của màu nước thì phương pháp này chỉ làm cho bài chúng ta tệ hơn.  

Sau đây là 3 cách để các bạn có thể “chữa cháy” trong một số trường hợp khẩn cấp:  

  • Trường hợp màu còn ướt:  

Dùng cọ: Rửa cọ với nước sạch, sau đó lau khô và đặt cọ nằm ngang mặt giấy, nhẹ nhàng kéo cọ (hoặc xoay cọ) để lấy màu   

Dùng khăn giấy: Lấy khăn giấy sạch và chấm trực tiếp lên vùng màu bị sai hoặc cần lấy màu  

2 phương pháp này đôi khi còn được tận dụng để vẽ mây, trời…  

  • Trường hợp màu đã khô: Rửa cọ với nước sạch, sau đó dùng nước sạch vẽ đè lên lớp màu, di cọ một vài lần cho lớp màu bong ra từ từ, sau đó dùng khăn giấy thấm nước đi – phương pháp này còn có tên gọi khác là rửa màu.

Lưu ý: Dù dùng hình thức nào thì màu khi lấy sẽ không sạch hoàn toàn được mà vẫn còn ám một lớp màu nhẹ trên giấy.  

Các tips vẽ màu nước đơn giản

Xem thêm bài viết “Hướng dẫn vẽ “lông vũ” bằng màu nước” để ứng dụng những tips vẽ trên vào bài vẽ nhé. 

4. Các loại nét vẽ khi dùng cọ  

Nếu bạn gặp trường hợp chỉ có một cây cọ để vẽ tranh mà loay hoay không biết thể hiện các mảng, đường, nét trên bài như thế nào thì đừng lo lắng. Cây cọ của chúng ta thật sự rất “đa năng” đấy.  

Để tỉa những nét nhỏ, mảnh thì khi lấy màu, các bạn hãy nhẹ nhàng vuốt cọ theo góc của ô pha màu trong palette để cọ trở về đúng shape, sau đó dựng thẳng cọ lên, vẽ thật nhẹ tay thì sẽ cho ra những nét mảnh.

Để vẽ nét to hơn thì các bạn sẽ nghiêng cọ theo các góc 45 độ, 30 độ để tăng diện tích vẽ màu. Các bạn nên nhớ rằng lực tay của chúng ta khi tác động lên cọ vẽ sẽ tạo ra được những nét mảnh – dày khác nhau.  

Ngoài ra vấn đề pha màu đặc hay loãng cũng cần được chú trọng nhé, các bạn không nên dùng màu quá đặc ở những lớp đầu, bởi vì như vậy, màu ở những lớp sau sẽ rất khó lên, thậm chí trong một vài trường hợp, sử dụng màu quá đặc làm cho bài bị đục, mất đi tính trong suốt vốn có của màu nước.  

Các tips vẽ màu nước đơn giản

Trên đây là một số tips vẽ màu nước căn bản cho người mới bắt đầu làm quen với loại chất liệu này. Hi vọng là những tips này sẽ hữu ích để các bạn có thể chinh phục được màu nước nhé.  

Học vẽ tại nhà với các tips vẽ do Zest chia sẻ: Tự học vẽ cùng Zest      

Tác giả: GV Tường Vy – Team Zest Mỹ thuật người lớn.     

Cùng Zest học vẽ màu nước qua chủ đề “Sóng vỗ” trong chuỗi dạy vẽ miễn phí “Draw to Free” do Giảng viên Thùy Linh chia sẻ nhé.

Draw to Free chủ đề vẽ sóng vỗ

Lưu ý: Bài viết thuộc sở hữu trí tuệ của Zest Art, nghiêm cấm sao chép nội dung và hình ảnh dưới mọi hình thức.