Giải Phẫu: Cơ Quan Sinh Dục Nam
Mục tiêu bài giảng
1.Mô tả vị trí, chức năng hình thể của tinh hoàn, mào tinh, ống dẫn tinh, túi tinh và ống phóng tinh.
2. Mô tả hình thể ngoài và liên quan của tiền liệt tuyến
3. Mô tả mạch máu và thần kinh của cơ quan sinh sản nam.
4. Mô tả cấu tạo của dương vật.
I. Tinh hoàn
Tinh hoàn có hình dạng giống quả trứng, mỗi người có hai tinh hoàn nằm trong bìu. Sau dậy thì, tuyến tạo ra tinh trùng và tuyến nội tiết, tiết ra hocmon tạo nên các đặc chất sinh dục phụ nam giới.
Tinh hoàn nằm trong bìu, bên trái thấp hơn bên phải, cũng có trường hợp bên phải thấp hơn bên trái, đó là ở người đảo ngược phủ tạng và ở người thuận tay trái thỉnh thoảng cũng thấy. Ở tuổi trưởng thành, mỗi tinh hoàn trung bình nặng 25g, khi về già, có nhẹ hơn một ít, phần lớn tinh hoàn phải nặng hơn bên trái.
Hình 1. Tinh hoàn và mào tinh
1. Ống dẫn tinh 2. Thân mào tinh 3. Ống xuất 4. Lớp trắng 5. Vách tinh hoàn 6. Tiểu thùy tinh hoàn
Mỗi tinh hoàn có hai đầu: trên và dưới, hai mặt: trong và ngoài, hai bờ: trước và sau. Bờ sau có mào tinh bám.
Về cấu tạo, lớp vỏ trắng bọc bên ngoài, là tổ chức liên kết đặc, ít đàn hồi. Từ mặt trong của vỏ trắng, có các vách chạy ra chia tinh hoàn thành nhiều tiểu thuỳ, có khoảng 250 đến 400 tiểu thuỳ, mỗi tiểu thuỳ có từ một đến bốn ống nhỏ. Tiểu thuỳ có hình chêm, đỉnh hướng về bờ sau của tinh hoàn, tại đó các vách giao nhau tạo nên trung thất tinh hoàn.
Nhu mô tinh hoàn nằm trong các tiểu thuỳ, gồm các ống sinh tinh xoắn. Người ta ước lượng chừng 800 ống cho mỗi tinh hoàn. Các ống này chạy về phía trung thất tinh hoàn, khi gần đến, các ống gặp nhau tạo nên các ống sinh tinh thẳng, có số lượng khoảng 20 đến 30, rồi tạo nên lưới tinh. Từ lưới tinh, có các ống xuất đi đến đầu mào tinh.
Tế bào kẻ, nằm dưới vỏ trắng, trong các vách, trong các chất đệm chung quanh ống sinh tinh xoắn.
II. Mào tinh
Mào tinh có dạng chữ C, gắn vào bờ sau tinh hoàn, hơi lấn ra mặt ngoài, chia làm ba phần: đầu, thân và đuôi. Thân và đuôi dính vào bờ sau của tinh hoàn.
Về cấu tạo, ở đầu mào tinh, có các ống xuất cuộn lại thành các tiểu thuỳ, cuối cùng hình thành một ống duy nhất gọi là ống mào tinh dài khoảng: 6 đến 7 cm. Tại đuôi mào tinh, ống mào tinh tiếp nổi với ống dẩn tinh.
Hình 2. Tinh hoàn và mào tinh
1. Đàu mào tinh 2. Thân mào tinh 3. Xoang mào tinh 4. Đuôi mào tinh 5. Cơ bìu
6. Lá thành của màng tinh 7. Mẩu phụ mào tinh 8. Mẩu phụ tinh hoàn 9. Tinh hoàn
III. Ống dẫn tinh
Ống dẫn tinh dẫn tinh trùng từ mào tinh đến lồi tinh, màu trắng, rắn khi sờ cho nên dễ phân biệt với các thành phần khác của thừng tinh. Ống dẫn tinh đi trong thừng tinh qua lỗ bẹn nông và lỗ bẹn sâu, đi ngoài động mạch thượng vị dưới, bắt chéo động mạch chậu ngoài, chạy theo thành bên cửa chậu hông để ra mặt sau của bàng quang. Tại đây ống dẫn tinh đi phía trong túi tinh và phình to ra gọi là bóng, rồi hợp với ống tiết của túi tinh để tạo nên ống phóng tinh. Ống phóng tinh chạy xuyên qua tiền liệt tuyến, đổ vào niệu đạo ở lồi tinh.
IV. Túi tinh
Túi tinh nằm ở trên tiền liệt tuyến, sau bàng quang, trước trực tràng, bên ngoài ống dẫn tinh. ống tiết của nó cùng với ống dẫn tinh tạo nên ống phóng tinh.
Hình 3. Túi tinh và bóng ống dẫn tinh
1. Ống dẫn tinh 2. Túi tinh 3. Niệu đạo 4. Tuyến tiền liệt 5. Bóng ống dẫn tinh
V. Thừng tinh
Trong quá trình đi xuống của tinh hoàn, các thành phần phụ thuộc được kéo theo nằm bên trong thừng tinh. Khi xuyên qua ống bẹn, các cơ thành bụng bị lôi cuốn theo tạo nên các lớp bọc ngoài.
1. Cấu tạo
Thừng tinh gồm có ba lớp bọc, từ ngoài vào trong như sau:
– Mạc tinh ngoài, có nguồn gốc của cơ chéo bụng ngoài.
– Cơ bìu và mạc cơ bìu, có nguồn gốc của cơ chéo bụng trong.
– Mạc tinh trong có nguồn gốc của cơ ngang bụng.
2. Các thành phần chứa đựng
Gồm có:
– Di tích mỏm bọc tinh hoàn (ống phúc tinh mạc), còn gọi là dây chằng phúc tinh mạc.
– Động mạch cơ bìu.
– Ống dẫn tinh và mạch máu của ống dẫn tinh.
– Động mạch tinh hoàn và đám rối tĩnh mạch hình dây leo.
Ngoài ra còn có các dây thần kinh đi trong ống bẹn cũng tìm thấy ở đây.
VI. Bìu
Bìu là túi do thành bụng trỉu xuống để chứa tinh hoàn, mào tinh và ống dẫn tinh.
Về cấu tạo, bìu gồm có bảy lớp:
– Da: mỏng, rất đàn hồi, bề mặt có nhiều nếp nhăn ngang và một nếp dọc rõ gọi là đường giữa bìu
– Cơ bám da: gồm những sợi cơ trơn bám vào da. Da bìu có thể co lại được nhờ lớp cơ này.
– Lớp tế bào dưới da: là lớp mỡ và tổ chức nhảo dưới da.
– Lớp mạc nông: có nguồn gốc và liên tục với mạc tinh ngoài.
– Lớp cơ bìu: có tác dụng nâng tinh hoàn lên trên.
– Lớp mạc sâu: có nguồn gốc và liên tục với mạc tinh trong.
– Bao tinh hoàn: tạo nên do lớp phúc mạc bị kéo xuống khi tinh hoàn di chuyển, vì thế gồm có hai lá: lá tạng bám sát vào tinh hoàn và mào tinh, lá thành trở thành một lớp của bìu.
Hình 4. Bìu
1. Da bìu 2. Cơ bìu và mạc cơ bìu 3,4 Cơ bìu và mạc cơ bìu
5. Mạc tinh trong 6. Lá thành của màng tinh 7. Tinh hoàn
VII. Tiền liệt tuyến
Tiền liệt tuyến là một tuyến, vừa nội tiết, vừa ngoại tiết, hình nón đáy ở trên, nằm dưới bàng quang, bọc chung quanh niệu đạo nam.
Tuyến tiền liệt có bốn mặt: mặt trước liên quan với khoang sau xương mu, mặt sau liên quan với trực tràng, hai mặt bên liên qua với cơ nâng hậu môn. Trước đây người ta chia tiền liệt tuyến ra làm ba thuỳ: thuỳ phải và thuỳ trái cùng với một thuỳ nằm sau niệu đạo với hình dạng ngón tay gọi là thuỳ giữa. Hiện nay, quan niệm mới chia tiền liệt tuyến làm 5 vùng: vùng ngoại biên, vùng trung biên, vùng cơ sợi, vùng quanh niệu đạo và vùng chuyển tiếp.
Tiền liệt tuyến nặng chừng 15 đến 20g, rộng 4cm, cao 3cm, dày 2,5cm. Tiền liệt tuyến được bao bọc bởi một bao gồm hai lớp: lớp trong là bao thực sự, còn lớp ngoài tạo nên do sự dày lên của lá tạng mạc chậu, giữa hai lá là đám rối tĩnh mạch tiền liệt tuyến.
Tiền liệt tuyến được nuôi dưỡng, bởi các nhánh của động mạch thẹn trong, động mạch trực tràng giữa và động mạch bàng quang dưới. Các tĩnh mạch đổ về tĩnh mạch chậu trong. Đám rối tĩnh mạch tiền liệt tuyến thường có nhánh nối với các tĩnh mạch chung quanh cột sống, điều này có thể giải thích rằng ung thư tiền liệt tuyến thường di căn đến cột sống.
Về phương diện mô học, tiền liệt tuyến gồm hai loại tế bào tuyến, tế bào tuyến thực sự nằm ở ngoại biên của tuyến (ung thư tiền liệt tuyến phát sinh từ tế bào này), trong khi các tuyến nhỏ hơn nằm chung ở niệu đạo có nguồn gốc là các túi thừa niệu đạo (u xơ tiền liệt tuyến là do sự quá sản của các tuyến này).
VIII. Dương vật
1. Hình thể ngoài
Gồm có một rễ, một thân và quy đầu. Rể dính vào xương mu và ngành ngồi mu. Thân hình trụ ở giữa có rãnh. Qui đầu có dạng hình tháp, màu hồng , ở giữa có lổ sáo hay lổ niệu đạo ngoài, giới hạn ở trên bởi một vành nằm theo một mặt phẳng nghiêng theo trục của dương vật gọi là vành qui đầu. Thông thường qui đầu được bao trong một nếp da niêm mạc gọi là bao qui đầu phía dưới xếp lại thành một hàm.
2. Cấu tạo
2.1. Các bao dương vật
Gồm có da, lớp tổ chức dưới da, mạc dương vật nông, mạc dương vật sâu và lớp trong cùng là lớp trắng bao bọc quanh hai vật hang và tạo nên vách giữa của dương vật.
2.2. Các tạng cương
Vật hang dương vật gồm hai ống hình trụ nằm ở mặt lưng, phía sau dính vào ngành ngồi mu, có cơ ngồi hang bọc chung quanh. Vật xốp dương vật bao bọc quanh niệu đạo, phía trước phình to ra thành qui đầu, phía sau cũng phình to tạo nên hình xốp
Hình 5. Cấu tạo dương vật
1. Quy đầu 2. Vật hang 3. Hành xốp 4. Trụ dương vật
3. Mạch máu và thần kinh
Động mạch nuôi dưỡng dương vật xuất phát từ động mạch thẹn trong, gồm có động mạch mu dương vật nằm ở giữa lớp trắng và mạc dương vật sâu và động mạch sâu dương vật nằm ở trung tâm của vật hang.
Tĩnh mạch mu dương vật nằm ở phía lưng dương vật đổ về đám rối tĩnh mạch quanh bàng quang. Hiện tượng cương dương vật có thể do sự giản các động mạch dẫn đến sự gia tăng dòng máu trong vật hang, cùng lúc có sự ứ trệ tuần hoàn trong các tĩnh mạch.
Dây thần kinh của hiện tượng cương dương vật là những sợi ly tâm của các dây thần kinh tuỷ S2, S3 và S4, trong khi dây thần kinh mu dương vật là đường cảm giác.
Nguồn THƯ VIỆN Y KHOA
Trang chủ Cơ quan sinh dục nữ Quá trình thụ tinh ở người